Bài 14. Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỉ XIII)
Bài 14. Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỉ XIII) thuộc PHẦN HAI. LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ X ĐẾN GIỮA THẾ KỈ XIX và nằm trong CHƯƠNG III. NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI TRẦN (THẾ KỈ XIII - XIV)
Hướng dẫn trả lời các câu hỏi quan trọng trong bài:
- Cuối tháng 1-1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt.
- Trước thế giặc mạnh và sau một số trận chặn giặc, Trần Quốc Tuấn cho rút lui quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương), rồi lại lui về Thăng Long, sau đó rút về Thiên Trường (Nan Định) để bảo toàn lực lượng.
- Nhân dân Thăng Long một lần nữa thực hiện “vườn không nhà trống”. Thoát Hoan kéo vào chiếm Thăng Long trống vắng. Không dám đóng quân trong thành, chúng phải dựng doanh trại ở phía Bắc sông Nhị (sông Hồng).
- Toa Đô được lệnh từ Cham-pa đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa, thấy thế giặc mạnh một số quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc. Cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.
- Cùng lúc đó, Thoát Hoan cho quân tiến xuống phía Nam nhằm tạo thế “gọng kìm” tiêu diệt quân chủ lực của ta nhưng thất bại. Thoát Hoan rút về Thăng Long chờ viện binh. Ở đây, quân Nguyên lâm vào thế bị động và thiếu lương thực trầm trọng.
- Tháng 5-1285, lợi dụng thời cơ, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc ở nhiều nơi như Tây Kết, cửa Hàm Tử, bến Chương Dương rồi tiến vào giải phóng Thăng Long.
- Quân giặc hốt hoảng tháo chạy, sau gần hai tháng phản công (tháng 5 và tháng 6), quân dân nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên, đất nước sạch bóng quân thù.
Ý nghĩa lịch sử của ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên.
* Ý nghĩa lịch sử:
- Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Mông - Nguyên, bảo vệ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc.
- Khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa nâng cao lòng tự hào, tự cường chính đáng cho dân tộc ta, củng cố niềm tin cho nhân dân.
- Góp phần xây đắp nên truyền thống quân sự Việt Nam, truyền thống chiến đấu của một nước nhỏ nhưng luôn phải chống lại những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần đến xâm lược.
- Để lại nhiều bài học quý báu về củng cố khối đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự quan tâm của nhà nước đến toàn dân, dựa vào dân để đánh giặc.
- Góp nhần ngăn chặn những cuộc xâm lược của quân Mông - Nguyên đối với Nhật Bản và các nước phương Nam, làm thất bại mưu đồ thôn tính miền đất còn lại ở châu Á của Hốt Tất Liệt.
Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên.
* Nhà Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt:
- Cuối tháng 12-1287, quân Nguyên tiến vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn, Bắc Giang. Sau đó, Thoát Hoan kéo đến chiếm đóng Vạn Kiếp và ra sức xây dựng nơi đây thành căn cứ vững chắc để định đánh lâu dài với ta.
- Cùng lúc đó, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào nước ta, rồi ngược lên sông Bạch Đằng, kéo vào Vạn Kiếp để hội quân với quân của Thoát Hoan.
* Trận Vân Đồn tiêu diệt đoàn thuyền lương của giặc:
- Ô Mã Nhi được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, nhưng lại chủ quan cho rằng quân ta không thể ngăn cản được đoàn thuyền lương này nên đã tiến về Vạn Kiếp để hội quân.
- Trần Khánh Dư dự đoán được tình hình nên đã cho quân mai phục trước ở Vân Đồn, khi đoàn thuyền của Trương Văn Hổ đến, quân ta từ nhiều phía đổ ra đánh dữ dội.
- Phần lớn thuyền lương của địch bị đắm, số còn lại bị quân Trần chiếm.
* Chiến thắng Bạch Đằng, kết thúc cuộc kháng chiến:
- Cuối tháng 1-1288, Thoát Hoan tiến quân vào Thăng Long. Nhân dân kinh thành thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” của triều đình.
- Chiếm được Thăng Long, Thoát Hoan cho quân tiến đánh các căn cứ của vua Trần, quyết tâm tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.
- Tuy nhiên, Thoát Hoan vẫn chưa thể thực hiện được ý định của mình mà còn lâm vào tình cảnh bị động, cạn kiệt lương thực. Thăng Long có nguy cơ bị cô lập, tinh thần quân lính ngày càng hoang mang.
- Trước tình thế nguy khốn, Thoát Hoan quyết định rút quân lên Vạn Kiếp và từ đây rút quân về nước theo hai đường thủy bộ.
- Nhận thấy thời cơ đã tới, vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định mở cuộc phản công và tiến hành việc bố trí mai phục ở sông Bạch Đằng.
- Đầu tháng 4-1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi rút về theo đường thủy trên sông Bạch Đằng. Khi giặc tiến gần đến bãi cọc, một số thuyền nhẹ của quân Trần ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, quân giặc ra sức đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục đúng lúc nước triều xuống nhanh.
- Từ hai bên bờ, hàng nghìn chuyến thuyền nhỏ của quân Trần đổ ra đánh.
- Bị đánh bất ngờ và quyết liệt, quân giặc hoảng hốt, tranh nhau tháo chạy ra biển, thuyền giặc xô vào bãi cọc đang nhô lên, bị ùn tắc, vỡ, đắm. Giữa lúc đó, hàng loạt bè lửa xuôi nhanh theo nước triều đang xuống, lao vào thuyền giặc.
- Toàn bộ cánh thủy binh bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống.
Bài 14. Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỉ XIII) được đăng ở chuyên mục Giải Lịch Sử 7 và biên soạn theo sách lịch sử 7. Được hướng dẫn biên soạn bởi các thầy cô giáo dạy Giỏi Sử học tư vấn, nếu thấy hay hãy chia sẻ và comment để nhiều bạn khác cùng học tập cùng.
#soanbaitap
Nguồn : Bài 14. Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên (thế kỉ XIII) - soanbaitap.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét