Bài 31. Tiến hóa lớn
Bài 31. Tiến hóa lớn thuộc PHẦN SÁU. TIẾN HÓA và là CHƯƠNG I. BẰNG CHỨNG VÀ CƠ CHẾ TIẾN HÓA
Lý thuyết:
Khái niệm tiến hóa nhỏ, tiến hóa lớn, cơ sở nghiên cứu và đặc điểm của tiến hóa lớn.
Tiến hoá nhỏ: là quá trình biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể từ thế hệ này sang thế hệ khác dẫn đến hình thành loài mới
Tiến hoá lớn: là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài (chi, họ, bộ, lớp, ngành…) diễn ra trên qui mô lớn, trong thời gian lịch sử dài.
Cơ sở nghiên cứu tiến hóa lớn:
- Nghiên cứu hóa thạch → lịch sử hình thành các loài cũng như nhóm loài trong quá khứ.
- Nghiên cứu phân loại sinh giới → các đơn vị phân loại như: loài, chi, bộ, họ,… dựa trên các đặc điểm hình thái, hóa sinh và sinh học phân tử → giúp chúng ta có thể phác họa nên cây phát sinh chủng loại.
Đặc điểm của tiến hóa lớn:
- Quá trình tiến hóa lớn diễn ra theo con đường phân li tính trạng: Từ một loài ban đầu, hình thành nhiều nòi khác nhau rồi đến nhiều loài khác nhau. Trong quá trình tiến hóa có rất nhiều loài bị tiêu diệt.
- Tốc độ tiến hóa diễn ra không đều ở các nhóm sinh vật: Ví dụ: những loài cá phổi hầu như không thay đổi suốt 150 triệu năm. Các loài động vật có vú lại tiến hóa rất nhanh, tạo nên rất nhiều loài khác nhau.
- Chiều hướng tiến hóa: Dưới tác dụng của các nhân tố tiến hoá, đặc biệt là của chọn lọc tự nhiên theo con đường phân li tính trạng, sinh giới đã tiến hoá theo một số hướng chủ yếu sau đây: tiến hoá phân ly (tạo nên thế giới sinh vật đa dạng, phong phú); tiến hoá hội tụ (các loài không có họ hàng với nhau nhưng có các đặc điểm thích nghi giống nhau)
Đa số các nhóm loài tiến hoá theo kiểu tăng dần mức độ tổ chức cơ thể từ đơn giản đến phức tạp (các loài động vật có xương sống). Một số khác lại tiến hoá theo kiểu đơn giản hoá tổ chức cơ thể thích nghi với điều kiện môi trường (các loài kí sinh).
Các nhóm vi khuẩn vẫn giữ nguyên cấu trúc cơ thể đơn bào, nhưng tiến hoá theo hướng đa dạng hoá các hình thức chuyển hoá vật chất, thích nghi cao độ với các ổ sinh thái khác nhau.
Câu hỏi cuối bài:
1. Giải thích quá trình tiến hoá lớn hình thành nên các đơn vị phân loại trên loài bằng sơ đồ tiến hoá phân nhánh.
Có thể vẽ sơ đồ chung giống như một cái cây có nhiều cành, với nhiều tầng, nhiều lớp.
Các nhóm loài trên cùng một cành gốc nhỏ có chung một số đặc điểm (họ hàng gần) có thể coi như thuộc cùng một chi, nhiều cành gốc có chung những đặc điểm nhất định gộp lại thành một đơn vị phân loại lớn hơn (họ, bộ, lớp, ngành...) và cứ thế tiếp tục.
Sự phân loại này dựa trên mức độ giống nhau về đặc điểm hình thái, hóa sinh và sinh học phân tử.
2. Tại sao bên cạnh những loài có tổ chức cơ thể rất phức tạp vẫn tồn tại những loài có cấu trúc khá đơn giản?
Bên cạnh những loài có cấu tạo cơ thể phức tạp vẫn có rất nhiều loài có cấu tạo đơn bào đơn giản như các loài vi khuẩn. Đó là do quá trình tiến hoá luôn duy trì những quần thể sinh vật thích nghi nhất. Các loài vi khuẩn có kích thước nhỏ, cấu tạo đơn giản lại có lợi thế thích nghi nhanh chóng với môi trường. Trên cùng một đơn vị thời gian tiến hoá, do chúng sinh sản nhanh, đột biến phát sinh nhanh nên nhanh chóng tạo ra các quần thể thích nghi.
3. Một số loài trong quá trình tiến hoá lại tiêu giảm một số cơ quan thay vì tăng số lượng các cơ quan. Nguyên nhân nào sau đây giải thích đúng về hiện tượng này?
A. Do môi trường sống thay đổi đã tạo ra những đột biến mới.
B. Sự tiêu giảm cơ quan giúp sinh vật thích nghi tốt hơn.
C. Có xu hướng tiến hoá quay về dạng tổ tiên.
D. Tất cả các nguyên nhân nêu trên đều đúng.
Sự tiêu giảm cơ quan giúp loài này thích nghi tốt hơn với điều kiện môi trường
Chọn B
Bài 31. Tiến hóa lớn được đăng ở chuyên mục Giải sinh 12 và biên soạn theo sách sinh học 12. Được hướng dẫn biên soạn bởi các thầy cô giáo dạy Giỏi Sinh học tư vấn, nếu thấy hay hãy chia sẻ và comment để nhiều bạn khác cùng học tập cùng.
#soanbaitap
Nguồn : Bài 31. Tiến hóa lớn - soanbaitap.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét